Hazard - Loại đèn bị nhiều người hiểu sai công dụng
Đèn Hazard là chế độ 4 xi nhan trước sau cùng nhau nhấp nháy, nếu dịch sát nghĩa theo tiếng Anh thì tên của loại đèn tín hiệu này tượng trưng cho sự nguy hiểm. Tuy nhiên chẳng hiểu vì sao khi du nhập về Việt Nam thì đèn Hazard đã bị mọi người hiểu sai về chức năng, gán ghép cho đèn Hazard là đèn ưu tiên.
Đèn ưu tiên
Trong khi đó đèn ưu tiên vốn chỉ được dùng cho những dòng xe đặc chủng, chuyên sử dụng để thi hành những nhiệm vụ tối quan trọng như: Xe cảnh sát, xe Cảnh sát Giao thông, Xe cấp cứu, Xe cứu hỏa, Xe quân đội.... Đèn ưu tiên là loại đèn tín hiệu cần phải được cấp phép để sử dụng, nếu tự ý lắp đặt sẽ bị xử phạt số tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 quy định tại Điểm g Khoản 2 điều 6 Nghị định 100.
Công tắc đèn Hazard (nút đỏ)
Vì hiểu lầm đèn Hazard là đèn ưu tiên, có rất nhiều người tham gia giao thông đã lạm dụng loại đèn tín hiệu này để phóng nhanh vượt ẩu. Bởi vì nghĩ rằng khi bật loại đèn tín hiệu này sẽ khiến cho mọi người chú ý đến bản thân và chủ động né tránh để... không xảy ra tai nạn - Một lối suy nghĩ đầy sự chủ quan, cứ dựa vào suy nghĩ này mà dùng đèn Hazard để vượt mặt người khác.
Còn có không ít trường hợp người lái xe bật đèn Hazard nhưng lại quên tắt khiến cho 4 xi nhan chớp nháy liên tục. Khi di chuyển gần đến giao lộ tạo cho những phương tiện xung quanh tâm lý bối rối, không biết kẻ vô ý thức kia đang muốn đi thẳng hay quẹo rẽ.
Thay vì lạm dụng vô tội vạ đèn Hazard, mọi người cần chú trọng đúng vào mục đích chính của loại đèn tín hiệu này là cảnh báo nguy hiểm. Cần hạn chế tối đa việc lạm dụng đèn Hazard lúc phóng nhanh vượt ẩu và chỉ nên bật ở các trường hợp sau:
- Tăng độ nhận diện của xe khi đi trong trời mưa hoặc điều kiện sương mù
- Xe gặp phải sự cố và cần phải neo đậu ở lề đường hoặc làn dừng xe khẩn cấp
- Bật đèn Hazard lúc đang đẩy hoặc kéo theo một chiếc xe chết máy
- Xe đang bị hư hỏng không thể chạy nhanh
- Di chuyển trên một con đường quá tối không có đèn đường
- Khi đi theo đoàn cần độ nhận diện cao
Đèn Passing
Đèn Passing là loại đèn tín hiệu thậm chí còn phổ biến hơn cả đèn Hazard, khi các hãng sản xuất xe máy đã dần phổ thông hóa đèn Passing trên những dòng xe côn tay và xe tay ga. Thường nút nhấn Passing sẽ thường tọa lạc tại vị trí công tắc Fa/Cos hoặc mặt trước của cùm công tắc trái, tuy nhiên mặt trước của cùm công tắc trái là vị trí mà mọi người sử dụng Passing thuận thiện hơn vì gần với ngón trỏ.
Khi nhấn nút Passing, đèn lái của xe sẽ chớp pha nên đa số mọi người thường 'Việt hóa' tên gọi của Passing là đá pha. Tuy nhiên nếu đã tìm hiểu chi tiết về đèn Passing, ai cũng đều trầm trồ khi biết rằng đèn Passing được sử dụng ở nước ngoài với mục đích biểu thị bạn đang muốn nhường đường cho xe phía trước.
Tuy nhiên đa số người Việt lại thường sử dụng đèn tín hiệu Passing để...vượt xe như cách bóp kèn truyền thống.
Dĩ nhiên cách dùng đèn Passing này hoàn toàn không phải kém hữu dụng khi nó phát huy hiệu quả tốt ở những trường hợp cần vượt xe tải hoặc xe hơi. Lúc này tín hiệu đèn Passing sẽ dễ nhận biệt hơn so với tiếng kèn vì khoang lái xe tải và xe hơi có khả năng cách âm rất tốt, khiến tiếng kèn của xe máy chúng ta gần như trở nên vô dụng và chỉ có đèn Passing mới có thể biểu hiện tín hiệu xin vượt rõ ràng.
Nếu di chuyển vào buổi tối trong một khu đông dân cư, bạn nên nhá đèn Passing xin vượt thay vì bóp kèn nhằm tránh quấy rầy đến thời gian nghỉ ngơi của người dân xung quanh,
Theo như mình tham khảo, đèn Passing còn có thể sử dụng để bạn thông báo đến các phương tiện xung quanh trong những trường hợp như:
- Báo hiệu cột đèn giao thông đã chuyển từ đỏ sang xanh
- Nhắc xe đối diện tắt pha khi di chuyển trong đô thị
- Kết hợp cùng việc nhá đèn hậu để thông báo cho phương tiện phía sau rằng bản thân đang giảm tốc vì chướng ngại vật để tránh xảy ra va chạm.
Mọi người nên hạn chế sử dụng Passing ở trong những khu vực ngõ hẻm nhỏ hẹp hoặc trong trường hợp xe đối diện đang ở quá gần đầu xe của mình (khoảng 2m-3m). Vì như vậy rất dễ khiến cho người lái xe di chuyển đối diện bị lóa mắt.
Tệ hơn là người trúng cú đá pha của bạn có thể rơi vào trạng thái choáng nếu như xe bạn đã nâng cấp bi cầu hoặc có đèn trợ sáng.